Tên khác: Tử tô tử, Tô tử, Hắc tô tử
Tên khoa học: Fructus Perillae
Thổ sản: Trung Quốc có nhiều ở Quảng Đông, Liên Huyện. Việt Nam được trồng ở khắp nơi.
Bộ phận dùng: Tử tô là quả chín phơi hay sấy khô của cây tía tô. Quả là hạch nhỏ hình cầu đường kính 1mm màu nâu nhạt, có mạng (ta gọi nhầm là hạt).
Tính vị - Quy kinh
Vị cay tính ôn vào 2 kinh phế và tỳ.
Tác dụng: Chữa ho, long đờm, hen suyễn, tê thấp.
Sách Bản thảo cương mục Lý Thời Trân ghi: Tử tô chữa được các chứng phong hàn truyền nhiễm ngoài da và thông khí tiêu đờm, lợi phổi.
Sách Bản thảo đồ giải ghi: Tử tô tiêu đờm khỏi suyễn.
Sách Bản thảo cầu chân Hoàng Cung Tú ghi: Dùng tử tô với quất bì, sa nhân thì hành khí an thai. Với hoắc hương, ô dược thì đỡ khó thở. Với ma hoàng, cát căn thì phát hãn. Với hạnh nhân, la bặc thì tiêu đờm, định suyễn, sinh cơ nhưng uống nhiều thì tiết khí.
Kiêng kỵ: Những người khí nhược mà không ngoại cảm phong hàn chớ dùng.
Liều dùng: Ngày uống 3 - 6g.
Bài thuốc "Tử tô giáng khí thang"
Công dụng: Giáng nghịch bình suyễn, ôn hoá đờm thấp. Dùng chữa các bệnh viêm phế quản mạn, ho hen đờm nhiều.
Cách thực hiện: Tử tô 8g, Tiền hồ 8g, Trần bì 4g, Bán hạ chế 8g, Nhục quế 2g, Hậu phác 6g, Sinh khương 4g, Đương qui 8g. Sắc uống nóng ngày chia làm 2 lần.
Bài thuốc chữa an thai do thai khí không điều hoà, ngực bụng đầy trướng, bụng ngực lưng sườn đều đau dùng bài "Tử tô ẩm" gồm: Tử tô, Xuyên quy, Xuyên khung, Bạch thược, Sâm, Trần bì, Đại phúc bì, Cam thảo.
Bài thuốc chữa các chứng thất huyết dùng: Tử tô bất cứ nhiều ít sắc cho cạn gần thành cao, lại sao xích đậu cho thật chín tán nhỏ hòa với cao tử tô viên bằng hạt ngô. Mỗi lần uống 30 viên với rượu.
Tử tô là một loại cây quý với nhiều công dụng hữu ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, cần sử dụng tử tô đúng cách và liều lượng để đảm bảo an toàn.
Nguồn: Sách Thuốc Bắc thường dùng - NXB Y học
Share: